Sau Hiệp định Giơnevơ, Mỹ gạt Pháp ra khỏi guồng máy cai trị và áp đặt chủ nghĩa thực dân mới tại miền Nam Việt Nam, Mỹ - Diệm thực hiện chiến lược “tố cộng, diệt cộng” để đàn áp phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng miền Nam. Liên khu V trở thành địa bàn trọng yếu, một vị trí tiền tiêu mà địch ra sức tăng cường lực lượng, lập tuyến phòng thủ xây dựng bàn đạp, chuẩn bị tiến công miền Bắc. Trước sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù, phong trào cách mạng ở Liên khu V bị tổn thất lớn, cán bộ, đảng viên hy sinh nhiều, quần chúng bị kìm kẹp gắt gao, phong trào cách mạng bị đẩy lùi. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, ác liệt đó, cán bộ, đảng viên và quần chúng vẫn kiên cường bám đất bám dân, xây dựng tổ chức đảng và cơ sở quần chúng, đấu tranh chống “tố cộng diệt cộng” bảo vệ tổ chức đảng.

Đảng bộ Liên khu V những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1956)
Đảng bộ Liên khu V những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1956)
Chiến trường Liên khu 5 “chia lửa” cùng Điện Biên Phủ
Bộ đội đánh địch ở An Khê (Trung Bộ). Ảnh tư liệu.

1. Sau Hiệp định Giơnevơ, Liên khu V là vùng địch tiếp quản lớn nhất miền Nam, là nơi có phong trào chiến tranh du kích mạnh. Trong khi đó địch vừa bị thua đau đầu năm 1954, vì vậy, khi tiếp quản vùng tự do, chúng có kế hoạch trả thù rất tàn bạo: thẳng tay đàn áp bất cứ cuộc đấu tranh nào của nhân dân. Trước tình hình đó, ngày 27 và 28-7-1954, Liên khu ủy V tổ chức Hội nghị mở rộng tới các Bí thư tỉnh ủy, đề ra một số công tác cấp bách như tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tình hình và nhiệm vụ mới, khẩn trương sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo và tổ chức đảng, chuyển hướng đấu tranh. Tại vùng tự do và vùng căn cứ cũ, phải nhanh chóng chuyển hướng tổ chức đảng. Trước mắt, chọn ra một số ít đảng viên có tư tưởng vững vàng, ít bị lộ, tự nguyện hoạt động trong hoàn cảnh mới để tổ chức thành chi bộ mới với phương châm nhỏ, gọn, bí mật. Các cấp ủy đảng từ cấp huyện trở lên sắp xếp lại cho gọn nhẹ, bao gồm những đồng chí ít bị lộ, có tinh thần tự nguyện, có năng lực lãnh đạo và đủ sức khỏe tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Về tổ chức quần chúng, giải tán các đoàn thể cũ, hình thành và xây dựng các tổ chức quần chúng mới hoạt động công khai, hợp pháp mang màu sắc kinh tế, văn hóa, xã hội.

Ngày 7-9-1954, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết Về tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng, chỉ rõ: Lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh thực hiện Hiệp định đình chiến, củng cố hoà bình thực hiện tự do, dân chủ (…), cải thiện dân sinh, thực hiện thống nhất và tranh thủ độc lập. Đồng thời phải lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống những hành động khủng bố, đàn áp, phá cơ sở của ta, bắt cán bộ ta và quần chúng cách mạng, chống những hành động tiến công của địch, ngụy, giữ lấy quyền lợi quần chúng đã giành được trong thời kỳ kháng chiến1.

Tiếp đó, tháng 10-1954, Hội nghị Liên khu ủy V ra Nghị quyết nêu rõ: trong vùng Pháp tạm đóng quân, tổ chức đảng phải bí mật. Dù có khả năng để một bộ phận công khai cũng phải lấy bộ phận bí mật làm chính, song luôn tranh thủ cho Đảng có địa vị công khai hợp pháp. Phương châm xây dựng Đảng là “Xây dựng Đảng về tư tưởng là chính; tranh thủ nâng cao trình độ chính trị, kịp thời chuyển hướng tổ chức và tác phong công tác”2 cho thích hợp với tình hình mới.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, tháng 9-1954, Liên khu ủy V tổ chức sắp xếp bộ máy lãnh đạo, các tổ chức đảng và đoàn thể. Liên khu ủy được tổ chức lại gồm 9 đồng chí3. Các tỉnh ủy được tổ chức lại từ 5-7 tỉnh ủy viên, các huyện ủy từ 3 - 5 huyện ủy viên. Ở cơ sở, đảng bộ tiến hành đình chỉ sinh hoạt công khai ở các cấp, nhất là các đảng bộ xã đông đảng viên. Các chi bộ được tổ chức lại với phương châm nhỏ, gọn, bí mật theo quy mô thôn xóm, mỗi chi bộ từ 3-5 đảng viên. Các đoàn thể quần chúng trong kháng chiến giải thể, chuyển sang các tổ chức quần chúng với các hình thức hợp pháp như Hội bóng đá, Hội đua thuyền, Đội dân canh chống cướp, Đội diễn kịch… Trên toàn liên khu, khoảng 25.000 đảng viên rút vào hoạt động bí mật.

Tháng 4-1955, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, hai tỉnh Quảng Trị (từ sông Bến Hải trở vào) và Thừa Thiên được sáp nhập vào Liên khu V. Liên khu ủy được bổ sung các đồng chí Nguyễn Hùng, Lê Minh, Trương Kỉnh, Nguyễn Lén. Liên khu ủy V thành lập 4 liên tỉnh trực thuộc. Liên tỉnh 1 gồm các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam; Liên tỉnh 2 gồm các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; Liên tỉnh 3 gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng; Liên tỉnh 4 gồm Kon Tum, Đăk Lăk, Gia Lai. Lãnh đạo công tác Đảng ở các liên tỉnh là liên tỉnh ủy do một đồng chí liên khu ủy viên phụ trách4.

Từ cuối năm 1954, đầu năm 1955, địch tiến hành đánh phá tổ chức đảng và phong trào cách mạng, nhất là ở các vùng tự do cũ. Tính đến tháng 12-1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tàn sát hàng trăm đồng bào yêu nước, bắt và giết hại 785 cán bộ, trong đó có 43 cán bộ cấp tỉnh, 46 cấp huyện, 78 cấp xã và 316 cấp thôn, xóm5.

Tháng 2-1955, chính quyền Ngô Đình Diệm công khai phát động chiến dịch tố cộng giai đoạn 1 nhằm tiến công Đảng Cộng sản và phong trào đấu tranh của nhân dân. Chúng đặt “tố cộng” là quốc sách, là biện pháp chiến lược chủ yếu quyết định thành bại của “chế độ”. Chiến dịch “tố cộng” sử dụng tổng hợp các thủ đoạn đàn áp cách mạng và nhân dân. “Mục tiêu tố cộng là đánh trên diện rộng lúc đầu, sau đó, đánh vào chiều sâu, đánh cả nông thôn và thành thị, tập trung nơi có phong trào mạnh. Đánh vào Đảng Cộng sản và đánh cả vào dân, lấy đánh vào Đảng Cộng sản là làm mục tiêu quyết định nhất, vừa tiêu diệt con người vừa tiêu diệt tinh thần, tư tưởng, tất cả đều nhằm mục tiêu tối hậu là làm cho người cộng sản hoặc bị tiêu diệt hoặc chịu thuần phục quốc gia, làm cho quần chúng hoặc chết hoặc trở thành người dân quốc gia”6.

Địch gây hiềm khích giữa cộng sản và đạo Cao Đài, Hòa Hảo, nêu khẩu hiệu “Ơn đền, oán trả” nhằm kích động các phần tử phản động trong tôn giáo chống phá cách mạng. Ở Tây Nguyên và miền núi Liên khu V, địch tập trung vào việc dồn làng, mua chuộc đồng bào dân tộc thiểu số, lùng bắt cán bộ, tuyên truyền, ly gián cán bộ người Kinh với luận điệu “người Kinh ở đất Kinh, người Thượng ở đất Thượng”.

Từ tháng 2 đến tháng 4-1955, chúng mở chiến dịch Phan Chu Trinh đánh phá Quảng Nam, chiến dịch Giải phóng đánh phá Quảng Ngãi và bắc Bình Định, chiến dịch Trịnh Minh Thế đánh phá các tỉnh giải phóng còn lại ở Liên khu V. Khẩu hiệu “đạp lên oán thù, thà giết lầm còn hơn bỏ sót” được Mỹ - Diệm nêu thành phương châm hành động cho tất cả các chiến dịch càn quét, tố cộng. Vừa bắn giết những người yêu nước và cách mạng, Mỹ - Diệm vừa mua chuộc, chiêu hàng những phần tử dao động, phản bội với khẩu hiệu “dĩ đảng, trị đảng”, “dĩ dân, trị dân”. Cơ sở đảng, cơ sở cách mạng nhiều địa phương bị tan vỡ.

Các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” ác liệt của chính quyền Sài Gòn sớm mở ra trên địa bàn Liên khu V, quy tụ các lực lượng phản động Quốc Dân Đảng, Đại Việt và các phần tử có nợ máu với cách mạng. Dưới sự chỉ đạo của “Lãnh chúa miền Trung” Ngô Đình Cẩn, các lực lượng quân đội và bọn phản động ngóc đầu dậy đánh phá cách mạng hết sức ác liệt, dìm phong trào cách mạng liên khu trong bể máu.

Đợt “tố cộng” của địch đã làm cho hàng ngàn cơ sở đảng ở vùng tự do cũ bị vỡ, hàng chục vạn cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng bị giết hoặc tù đày. Phần lớn chi bộ mới xây dựng bị vỡ, nhiều đảng viên hoang mang chạy ra núi hoặc đi lánh ở các tỉnh khác, một số tìm đường ra miền Bắc. Nhiều cán bộ tỉnh, huyện bị bắt và hy sinh. Trong các đợt khủng bố, địch bắt giam và giết hại số lượng lớn cán bộ, đảng viên. Các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, từ tháng 7-1954 đến tháng 7-1956, số cán bộ bị bắt tới một phần hai. Tỉnh Quảng Trị từ tháng 7 đến tháng 12-1955, địch bắt 40, giết hại 10 đảng viên; tỉnh Thừa Thiên, địch bắt 68 cán bộ, giết 8 cán bộ, đảng viên, 18 người khác đầu hàng; Quảng Nam- Đà Nẵng, cuối năm 1955, địch bắt 4 đồng chí; tỉnh Quảng Ngãi tính đến tháng 11-1955 có 45 cán bộ bị bắt, giết; tỉnh Bình Định tính đến tháng 2-1956 bị bắt, giết 71 cán bộ; tỉnh Phú Yên từ tháng 10-1955 đến tháng 2-1956, địch bắt 10, giết 1 cán bộ; tỉnh Ninh Thuận từ tháng 10-1955 đến tháng 12-1955 bị bắt 4, bị giết 2; tỉnh Kon Tum từ cuối năm 1955 đến tháng 2-1956, địch bắt 7 đồng chí.

Từ tháng 7-1954 đến tháng 2-1956, tại Liên khu V đã có 248 cán bộ từ xã ủy viên bị bắt (gồm 14 tỉnh ủy viên đương chức, 4 cán bộ tương đương cấp tỉnh, 76 huyện ủy viên và tương đương, 154 xã ủy viên) và 24 cán bộ bị giết (trong đó có 2 tỉnh ủy viên, 12 cán bộ huyện, còn lại là cán bộ xã)7. Do tổn thất nặng nề, các địa phương như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận lâm vào tình trang thiếu cán bộ trầm trọng.

Số cán bộ còn lại hầu hết bị đánh bật ra, hoạt động thoát ly bất hợp pháp. Đồng bằng tỉnh Ninh Thuận chỉ còn 24/139 cán bộ hoạt động hợp pháp, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) còn 23/75 cán bộ hoạt động hợp pháp, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên) chỉ còn 1 đến 2 cán bộ hoạt động hợp pháp. Do hoạt động bất hợp pháp nhiều, chủ yếu tại các căn cứ trên núi, nên công tác lãnh đạo quần chúng đấu tranh gặp rất nhiều khó khăn8.

Trong tình thế hết sức khó khăn, cán bộ tỉnh, huyện bám thôn, xã chỉ đạo các chi bộ, đảng viên và quần chúng tích cực hoạt động vạch trần chính sách “tố cộng” của địch, hướng dẫn nhân dân vận dụng điều 14C của Hiệp định Giơnevơ để đấu tranh chống bắt người, chống đánh đập, tra khảo.

Tuy bị địch khủng bố ác liệt, đến cuối năm 1955, phần lớn thôn, xã vẫn còn đảng viên hoạt động, tỉnh có phong trào khá còn năm, bảy ngàn đảng viên và cơ sở, có thể dựa vào để phát động quần chúng đấu tranh; tỉnh có phong trào yếu cũng còn vài ngàn. Nhiều cơ sở quần chúng, nhất là gia đình cán bộ thoát ly, cán bộ tập kết tự nguyện nuôi dưỡng cán bộ, đào hầm bí mật che giấu cán bộ. Thông qua cơ sở, các cấp ủy xã, huyện phát động quần chúng, cử đại biểu đến các tổ kiểm soát và giám sát quốc tế tố cáo bọn ác ôn phá hoại hiệp định, phát động đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử, đòi tự do dân chủ.

 

 

2. Trước sự khủng bố ác liệt của kẻ thù, tổ chức đảng bị thiệt hại nặng, ngày 26-11-1955, Liên khu ủy V ra Chỉ thị Về công tác và nhiệm vụ trước mắt. Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ chung của Liên khu ủy V lúc này là củng cố, phát triển và giữ gìn lực lượng, giữ vững tổ chức của Đảng trong quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ và phức tạp. Nhiệm vụ cụ thể của các đảng bộ trong liên khu là giữ gìn và củng cố cơ sở tổ chức của Đảng, tích cực bảo vệ cán bộ.

 

Tiếp đó, ngày 7-1-1956, Liên khu ủy V ra Chỉ thị bổ sung một số vấn đề về công tác xây dựng Đảng trong Chỉ thị ngày 26-11-1955, chủ trương các đảng viên bị lộ và những đồng chí có khả năng bị lộ nên đổi vùng, chi bộ đông đảng viên nên phân tán bớt, chỉ để lại chi bộ một số ít đảng viên không bị lộ hoặc lộ ít. Trong chi bộ, trong một xã nếu có đảng viên đầu hàng khai báo thì giải tán chi bộ, phân tán đảng viên có thể bị bắt, mặt khác cắt đứt liên lạc với chi bộ ấy, địa phương ấy, chỉ để lại những đảng viên chưa bị lộ đồng thời qua các mối quan hệ, vận động hạn chế sức phá hoại của đảng viên đã đầu hàng khai báo đối với phong trào.

Tháng 2-1956, Liên khu ủy V ra Nghị quyết chỉ đạo phong trào cách mạng trong liên khu. Nghị quyết nêu rõ, phương châm xây dựng Đảng là tinh, gọn, bí mật, trọng chất hơn lượng, xây dựng Đảng theo nhu cầu lãnh đạo, không theo khả năng phát triển, không dựa vào tổ chức cũ, dựa vào đảng viên, quần chúng có lịch sử tốt, đã qua thử thách, sát quần chúng, chưa bị lộ và trước hết thuộc thành phần quần chúng cơ bản để xây dựng tổ chức mới của Đảng vững mạnh. Chú ý xây dựng trước ở những nơi đông dân, xí nghiệp, đồn điền, những địa phương quan trọng, ngành quan trọng, nơi có phong trào mạnh và phải do cán bộ, đảng viên có lập trường vững vàng, có kinh nghiệm trong công tác và phương pháp xây dựng Đảng tiến hành.

Giữa năm 1956, tại Liên khu V, địch chuyển sang thực hiện “tố cộng, diệt cộng” giai đoạn 2, với tính chất thâm độc và ác liệt hơn nhiều so với giai đoạn 1. Địch đặt vấn đề “tố cộng, diệt cộng” thành “một nhiệm vụ cơ bản, tối yếu, một cuộc vận động lớn tập trung lực lượng của chính quyền, đoàn thể và nhân dân nhằm đả phá mạnh mẽ tàn tích và các phần tử Việt minh cộng sản”9.

Địch mở các lớp chỉnh huấn, bắt cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, sám hối, lập các trại tập trung giam cầm hàng trăm người. Tại các lớp tố cộng và trại tập trung, chúng dùng nhiều âm mưu thủ đoạn vừa nham hiểm, quỷ quyệt, vừa tàn bạo để khuất phục cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước. Hàng trăm cán bộ, đảng viên và quần chúng bị tra tấn thành thương tật, hoặc bị bí mật thủ tiêu. Chính sách khủng bố của địch gây không khí hết sức căng thẳng, ngột ngạt. Lực lượng Đảng bị thiệt hại lớn.

Sau khi địch khủng bố, các địa phương tiến hành tổ chức lại, nhưng tập hợp thiếu chọn lọc, nhiều chi bộ ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận tập hợp cả những phần tử đầu hàng, khai báo nên chưa củng cố được bao nhiêu, địch đánh phá đợt khác lại tan vỡ tiếp. Hiện tượng đảng viên đầu hàng, làm gián điệp cho địch xuất hiện ở một số nơi như Phú Lộc (Thừa Thiên).

Tuy nhiên, vẫn có nhiều tấm gương đảng viên vượt qua thử thách, hiên ngang, bất khuất, thà chết chứ không chịu đầu hàng, khai báo. Tại thôn Gia Bình (Gio Linh) có 2 cán bộ bị treo tra tấn 2 ngày 2 đêm, địch lấy dao rạch da, máu chảy đầm đìa vẫn không chịu khai báo. Tại huyện Đại Lộc, tuy đảng viên đầu thú nhiều, nhưng rải rác ở các xã vẫn có một số đồng chí dù bị tra tấn dã man vẫn không chịu khai báo, tự sát để giữ vững khí tiết hoặc bị địch bắn chết.

Bên cạnh gương hàng trăm cán bộ, đảng viên trung kiên, bất khuất là sự đầu thú của hàng nghìn đảng viên khác làm cho lực lượng Đảng bộ sụt giảm nhanh chóng. Tình hình tư tưởng cũng diễn biến phức tạp.

Tư tưởng phổ biến của cán bộ, đảng viên là bi quan, dao động, thiếu tin tưởng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chính trị thống nhất đất nước. Khi địch chuyển sang “tố cộng, diệt cộng” quyết liệt, tư tưởng cán bộ, đảng viên hoang mang, dao dộng, chạy dài. Hiện tượng đầu thú, khai báo xuất hiện nghiêm trọng.

Tại Phú Yên, 70% cán bộ, đảng viên bị bắt có khai báo, 2.000 đảng viên đầu thú, 3.000 bỏ chạy. Tại Bình Định, hầu hết đảng viên bị bắt đều nhận mình là đảng viên và khai báo ở những mức độ khác nhau10.

Tại Quảng Nam, Trị Thiên, tư tưởng hoang mang dao động ngày càng nặng nề. Huyện Đại Lộc (Quảng Nam) có 6.000 đảng viên đầu thú. Có xã tại Trị Thiên, trên 400 đảng viên trong tổng số 485 đảng viên đầu thú, có xã 32 đảng viên bỏ chạy một đợt, có xã 20 đảng viên cùng quy thuận đầu hàng địch. Huyện Hàm Thuận (Bình Thuận) từ 659 đảng viên, sau khủng bố tập hợp lại còn 285 đồng chí, sau ngày 20-7-1955 chỉ còn 80 đồng chí. Trong đợt 2 tố cộng, trong số 285 đảng viên huyện Hàm Thuận có 250 đảng viên đầu thú, có thôn chỉ còn Bí thư chi bộ11.

Hai huyện Nghĩa Hành, Đức Phổ (Quảng Ngãi) tới tháng 8-1955 có 80% đảng viên khai báo. Nhiều đồng chí cho rằng đấu tranh chính trị khó lòng thành công, có đồng chí nằm hầm hết tháng này sang tháng khác, tập ăn nhạt, uống ít nước để nằm hầm được lâu. Một số đảng viên luôn đi làm đồng để tránh gặp cán bộ, trốn nhận công tác. Tại Đức Phổ (Quảng Ngãi), Hoài Ân, Hoài Nhơn (Bình Định), nhiều cán bộ, đảng viên chạy lên núi.

Tư tưởng đầu hàng, khai báo đã trở thành hiện tượng nghiêm trọng trong Đảng, nhất là từ cán bộ xã trở xuống. Đến cuối năm 1955, ở Liên khu V đã có 24 cán bộ từ Bí thư chi bộ trở lên đầu hàng, khai báo. Thậm chí có đảng viên phản bội, dẫn địch đi bắt cán bộ, phá cơ sở ta. Một cán bộ thuộc Văn phòng Thành ủy Huế khai hàng loạt cơ sở từ thành ủy, tỉnh ủy, quận ủy, cán bộ nơi khác điều đến, các đường giao thông liên lạc, cơ sở trong trí thức, binh lính, cảnh sát, cơ sở nhà in báo… gây thiêt hại 33 cán bộ và 5 trạm liên lạc12.

Cán bộ cấp ủy đầu thú dẫn đến tan vỡ cả chi bộ và kéo theo hàng loạt đảng viên khác đầu thú. Tại một xã của huyện Đại Lộc, Quảng Nam, một huyện ủy viên đứng ra đầu thú, các đảng viên trong xã đều hoang mang và sau đó đầu thú hết. Tại xã Phong Chương (Thừa Thiên), khi địch đến, Bí thư chi bộ đầu hàng, làm chi bộ tan vỡ, tiếp đó, 16 đảng viên (trong số 419 đảng viên đã tập hợp) và 36 đảng viên không được tập hợp đầu hàng theo13. Các xã khác đều có hiện tượng như thế. Một số đảng viên lao sâu vào con đường phản bội, tập hợp số đảng viên đã đầu thú, kêu gọi “tố cộng, diệt cộng”, quy thuận “chính nghĩa quốc gia”, xé cờ Đảng, dẫn địch đi bắt cán bộ.

Tổ chức đảng phức tạp, hầu hết cán bộ, đảng viên và cơ sở trung kiên đều lộ mặt từ trước, việc củng cố Đảng hầu như chưa thực hiện được. Địch đánh đến đâu, cơ sở đảng tan rã đến đó, nặng nhất là ở Bình Định, Phú Yên. Thậm chí nhiều nơi ở Bình Định, địch chưa đến đóng đã tự động tan rã. Khi địch tổ chức khủng bố, cơ sở tan rã thêm. Có nơi tan rã gần hết như huyện Quảng Điền (Thừa Thiên), Cam Lộ (Quảng Trị). Cán bộ, đảng viên nằm im hoặc chạy dài. Tổ chức đảng một số địa phương tan vỡ mạnh như huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) trong kháng chiến có 8.000 đảng viên tới tháng 8-1955 chỉ còn khoảng 700 đến 800 đảng viên, trong đó, số có tư tưởng vững vàng chỉ chiếm một phần ba. Huyện Hải Lăng (Quảng Trị) từ 1.526 đảng viên, đến cuối năm 1955 chỉ còn 75 đồng chí. Tỉnh Thừa Thiên từ 2.500 đảng viên, đến tháng 8-1956 chỉ còn 950 đồng chí. Tỉnh Ninh Thuận bố trí 323 đảng viên ở lại, qua khủng bố còn 157 đồng chí. Thị xã Phan Thiết từ 43 đảng viên còn 8 đảng viên. Vùng phía Nam tỉnh Quảng Ngãi, tổ chức đảng tan rã gần hết14. Phú Yên thiệt hại nặng nhất, đầu 1955 có 40 cán bộ các cấp từ xã đến tỉnh thoát ly mà chỉ trong 4 tháng (10-1955 đến 2-1956) bị bắt 12 cán bộ cấp tỉnh, huyện và 1 số cán bộ xã, trong đó có 6 tỉnh ủy viên, 6 huyện ủy viên15.

Đến cuối năm 1956, tình hình Đảng bộ Liên khu V như sau:

Tại vùng địch hậu cũ, Bắc Quảng Nam có xã lọc lại còn 3 đảng viên (2 bị lộ), có xã 20 đảng viên (16 bị lộ), có xã không còn đảng viên nào. Khánh Hòa, còn trên 100 đảng viên nhưng hơn 1 nửa ở miền núi, vùng đồng bằng còn 54 đảng viên, sinh hoạt trong 12 chi bộ thôn và đơn tuyến, hầu hết bị lộ. Bình Thuận, còn 78 đảng viên hợp pháp, chỉ còn 1 chi bộ, còn sinh hoạt đơn tuyến rải rác mỗi nơi vài đồng chí. Ninh Thuận, một phần ba đảng viên ở miền núi, hầu hết đảng viên vùng đồng bằng bất hợp pháp, chỉ còn 4 -5 đồng chí hợp pháp, nhưng đã bị lộ16.

Ở vùng tự do hoặc vùng du kích cũ, phần nhiều đảng viên sinh hoạt đơn tuyến, một số chi bộ đã củng cố nhưng lại tan rã, một số chi bộ cũ chưa tan rã, nhưng hoạt động không hiệu quả (Tam Kỳ còn khoảng 20 đến 30 đảng viên, toàn tỉnh Quảng Ngãi còn 10 chi bộ ở vùng đồng bằng, mỗi chi bộ từ 60 đến 70 đảng viên).

Tại thành thị, một số cơ sở ở đô thị vẫn tồn tại, nhưng không hoạt động được. Đà Nẵng còn 3 chi bộ nguyên, 2 chi bộ thiếu, Nha Trang còn 3 chi bộ với 8 đảng viên và 5 đảng viên hoạt động đơn tuyến, Phan Thiết còn 5 đảng viên, đều bị lộ.

Tại Tây Nguyên và miền núi các tỉnh, hầu hết cơ sở đảng còn, nhưng đều bị lộ, tổ chức lỏng lẻo.

Huyện Gio Linh (Quảng Trị), cuối năm 1954 còn 920 đảng viên, đến cuối năm 1956 còn 128 đồng chí, sinh hoạt trong 18 chi bộ và sinh hoạt đơn tuyến. Tại huyện Triệu Phong, 8/11 xã đứt liên lạc từ năm 1956, 1 xã đứt liên lạc 3 thôn, 2 xã còn lại có 20 đảng viên. Vùng tự do cũ huyện Cam Lộ từ 2.500 đảng viên, đến cuối năm 1956 hầu như không còn, chỉ còn 10 đảng viên sinh hoạt trong 3 chi bộ tại 3 xã miền núi. Huyện Hải Lăng, 7 xã không còn cơ sở, các xã ủy viên bị bắt hết (trừ xã Hải Quang). Toàn tỉnh Quảng Trị còn 167 đảng viên, trong đó có 72 đảng viên hợp pháp, hầu hết bị lộ17.

Tại Thừa Thiên, huyện Phong Điền cuối năm 1954 còn 2.753 đảng viên, đến cuối năm 1956 còn 52 đảng viên, không tổ chức thành chi bộ mà xã ủy viên liên lạc với đảng viên cốt cán, đảng viên cốt cán liên lạc với đảng viên thường, 6/9 xã đứt liên lạc, 3/9 xã còn cơ sở đảng. Tại huyện Hương Trà, từ chỗ có khoảng 300 đảng viên, đến đầu năm 1956 hầu như không còn đảng viên nào, chỉ còn 3/12 xã có thể liên lạc được. Tại huyện Quảng Điền, khi hòa bình lập lại, mỗi chi bộ còn 100 đến 200 đảng viên, cuối năm 1956 hầu như không còn, cán bộ xã và huyện bị đánh bật ra khỏi huyện, đứt liên lạc gần như hoàn toàn.

Tại Quảng Nam: Thành phố Đà Nẵng, ngoại thành từ 200 đảng viên còn hơn 20 đảng viên trong tổ chức, cơ sở nội thành còn nguyên. Huyện Điện Bàn, xã khá (xã Thanh Minh), từ 156 đảng viên còn 10 đảng viên trong tổ chức, cơ sở quần chúng còn 50; xã vừa (xã Thanh Trung) từ 170 đảng viên còn 6 đồng chí trong tổ chức, cơ sở quần chúng có 57; xã kém (xã Vĩnh Xuân), từ 105 đảng viên sau hòa bình, cuối năm 1956 không còn đồng chí nào trong tổ chức, cơ sở quần chúng có 5, các đảng viên sinh hoạt đơn tuyến. Tại huyện Đại Lộc, sau hòa bình có 6.000 đảng viên, đến cuối năm 1956, không còn đảng viên trong tổ chức, 5/12 xã không còn cơ sở Đảng. Đây là địa phương có số đảng viên lớn và cũng đầu hàng, xuất thú nhiều nhất18.

Tại Bình Định, huyện Hoài Nhơn, 3 xã đứt liên lạc, 2 xã mới củng cố được 5 chi bộ, nhưng đều lộ và phức tạp, các xã khác đang chuẩn bị củng cố.

Tại miền núi các tỉnh Liên khu V:

Miền Tây Quảng Nam, chưa bị địch đánh phá mạnh, trước có 111 đảng viên nay đã loại ra một số. Tại huyện Trà My, số đảng viên giảm từ 84 đảng viên xuống còn 50 đồng chí, gồm cả đảng viên người Kinh và người dân tộc thiểu số, tổ chức 13 chi bộ.

Miền Tây Quảng Ngãi, bị khủng bố mạnh, cơ sở tan rã hết, cán bộ huyện phải liên lạc với từng đảng viên, 6 xã trong huyện Ba Tơ còn 32 đảng viên, 10 xã huyện Sơn Hà còn 32 đảng viên, 3 xã huyện Minh Long còn 12 đảng viên.

Tỉnh Kon Tum, huyện Konplong còn 72 đảng viên, tổ chức trong 8 chi bộ, hiện đang củng cố.

Các cơ sở quần chúng cũng bị thiệt hại nặng, nhất là vùng đồng bằng. Tỉnh Khánh Hòa chỉ còn 38/225 thôn có cơ sở, tỉnh Ninh Thuận còn 40/ 110 thôn còn cơ sở, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) còn 35/157 thôn có cơ sở, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) còn 22/82 thôn có cơ sở… Tại Tây Nguyên, cơ sở cách mạng còn nhiều hơn. Tại tỉnh Kon Tum, 600/700 thôn còn cơ sở, tỉnh Gia Lai 780/840 thôn còn cơ sở. Tại miền núi các tỉnh đồng bằng ven biển, cơ sở quần chúng xây dựng được khá nhiều. Nhiệm vụ cơ sở quần chúng là tuyên truyền dư luận, rải truyền đơn, nuôi giấu và bảo vệ cán bộ19.

 Cán bộ lãnh đạo bị bắt và giết nhiều, từ tháng 7-1956 đến tháng 11-1956, có 303 đồng chí cán bộ bị bắt, bị giết20. Số cán bộ Đảng còn lại hầu hết hoạt động bất hợp pháp. Một số huyện thuộc Quảng Trị, Thừa Thiên, Bình Định chỉ có 6/159 cán bộ xã và huyện có thể hoạt động hợp pháp. Cuối năm 1956, số cán bộ bất hợp pháp ở các tỉnh là Khánh Hòa 54 cán bộ, Ninh Thuận 114 cán bộ, Bình Thuận 226 cán bộ, Kon Tum 150 cán bộ, Gia Lai 120 cán bộ, Đăk Lăk 100 cán bộ. Cán bộ người dân tộc thiểu số bất hợp pháp trong một số địa phương thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có 60 đồng chí21.

Sau hai năm bị địch đánh phá, cơ sở đảng vùng tự do cũ hầu hết bị tan rã, chưa xây dựng lại được. Mỗi huyện còn lại một vài chi bộ hay tổ Đảng nhưng rất bấp bênh. Cơ sở đảng ở những địa bàn quan trọng chưa xây dựng được. Cán bộ, đảng viên vùng tự do cũ đều lộ mặt, chuyển hướng hết sức khó khăn, khó tránh khỏi tan rã. Những cán bộ, đảng viên vùng tạm chiếm cũ, do không khéo léo trong lãnh đạo quần chúng đấu tranh, bộc lộ lực lượng, nên dễ dàng bị địch phát hiện, khủng bố.

Nguyên nhân thiệt hại trước hết do chính sách khủng bố ác liệt của địch, nhưng còn do phương thức hoạt động bí mật của cán bộ, đảng viên còn non kém. Cấp tỉnh thì biết toàn bộ tỉnh ủy và các cơ sở trong tỉnh, thậm chí cán bộ của tỉnh ủy cũng biết hầu hết cơ sở trong tỉnh, kể cả những cơ sở bí mật. Tình hình cấp huyện cũng vậy. Có cán bộ đi công tác mang theo nhiều sách, báo, tài liệu; có đồng chí về nhà mở rađiô cho nhân dân trong xóm nghe (Bí thư Huyện ủy Diên Khánh, Khánh Hòa); có nơi viết báo cáo công văn còn lộ tên cơ quan, địa phương, tên, tuổi, chức danh cán bộ…

Công tác giao thông liên lạc còn thiếu kịp thời, hay bị gián đoạn nên việc chỉ đạo phong trào trong toàn liên khu gặp nhiều khó khăn trong việc nắm tình hình, phổ biến chủ trương và chỉ đạo phong trào. Ngoài ra, việc liên lạc và phối hợp hoạt động với Đảng bộ Nam Bộ cũng còn nhiều khó khăn và hạn chế.

Do hệ thống chỉ đạo chủ yếu là bất hợp pháp, địch đánh phá ác liệt và kiểm soát nhân dân hết sức gắt gao nên hoạt động lãnh đạo của Đảng tại Liên khu V rất khó khăn từ việc tiếp xúc với dân cho đến chỉ đạo đấu tranh. Thậm chí vài tháng cán bộ mới có thể tiếp cận với dân. Do đó, cấp ủy đảng không nắm được tình hình, không thể lãnh đạo, chỉ đạo quần chúng đấu tranh.

Căn cứ tình hình trên, từ tháng 4-1956, Liên khu ủy V chủ trương chuyển số cán bộ bất hợp pháp ra hợp pháp để lãnh đạo phong trào quần chúng ở đồng bằng và đô thị. Liên khu ủy tiến hành làm thí điểm ở một số huyện như Phong Điền, Điện Bàn, nhưng nói chung gặp khó khăn ngay từ đầu. Tuy nhiên, cuối 1956, đầu năm 1957, Liên khu ủy vẫn chủ trương mở rộng việc chuyển hướng ra toàn liên khu. Một số tỉnh thấy chủ trương này khó thực hiện, nên thắc mắc và chậm trễ thi hành. Một số địa phương khác quyết tâm thực hiện cho dù gặp khó khăn. Dù vậy, số cán bộ bất hợp pháp chuyển ra hợp pháp gặp rất nhiều khó khăn, có hợp pháp được cũng nằm im không dám hoạt động, đa phần phải bỏ chạy bất hợp pháp trở lại.

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 8/2015
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 2001, T. 15, tr. 308, 600

3. Trương Quang Giao, Nguyễn Côn, Ngô Đức Đệ, Võ Toàn, Trần Lê, Trương Chí Cương, Huỳnh Lắm, Trương Quang Tuân và Nguyễn Xuân Hữu. Đồng chí Trương Quang Giao làm Bí thư Liên khu ủy. Tháng 3-1955, Trung ương Đảng cử đồng chí Trần Lương (Trần Nam Trung), Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam vào Liên khu V làm Bí thư Liên khu ủy thay đồng chí Trương Quang Giao bị bệnh nặng ra miền Bắc chữa bệnh

4. Các liên tỉnh tồn tại đến tháng 10-1961

5. Quân đội nhân dân Việt Nam, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu V: Công tác Đảng, công tác chính trị lực lượng vũ trang Quân khu V 1945-2000, Nxb QĐND, H, 2002, biên niên, tập 2 quyển 1, tr. 39

6. Hội đồng biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Nam Trung Bộ kháng chiến 1945-1975, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 234-235

7, 8, 9, 10, 11,12, 14, 15. Ban Thống nhất Trung ương: Báo cáo đặc biệt về tình hình Đảng ở miền Nam từ sau hòa bình tới nay. Tư liệu lưu trữ tại Viện Lịch sử Đảng tr. 10, 11, 1, 6, 6, 7, 9, 10, 12.

13, 16, 17, 18, 19, 20, 21. Ban Thống nhất Trung ương: Báo cáo tình hình miền Nam năm 1956, Tư liệu lưu trữ tại Viện Lịch sử Đảng tr. 4, 11, 12, 13, 14-15, 16, 17.

TS NGUYỄN QUANG HÒA

 

Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Bộ đội đánh địch ở An Khê (Trung Bộ). Ảnh tư liệu. 1. Sau Hiệp định Giơnevơ, Liên khu V là vùng địch tiếp quản lớn nhất miền Nam, là nơi có phong trào chiến tranh du kích mạnh. Trong khi đó địch vừa bị thua đau đầu năm 1954, vì vậy, khi tiếp quản vùng tự do, chúng có kế hoạch trả thù rất tàn bạo: thẳng tay đàn áp bất cứ cuộc đấu tranh nào của nhân dân. Trước tình hình đó, ngày 27 và 28-7-1954, Liên khu ủy V tổ chức Hội nghị mở rộng tới các Bí thư tỉnh ủy, đề ra một số công tác cấp bách như tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tình hình và nhiệm vụ mới, khẩn trương sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo và tổ chức đảng, chuyển hướng đấu tranh. Tại vùng tự do và vùng căn cứ cũ, phải nha

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn